
Đào tạo nhân lực ngành Công Thương: Tiên phong trong công cuộc cách mạng 4.0
Với sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, nguồn nhân lực ngành Công Thương sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước.
Giảm sự thiếu hụt lao động có tay nghề
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mới với những định hướng chiến lược quan trọng, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc, đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Ngành Công Thương cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ theo xu hướng kinh tế xanh và chuyển đổi số. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có năng lực, trình độ và kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh vai trò của Bộ Công Thương trong phát triển nguồn nhân lực ngành tại tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực ngành Công Thương trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức”do Báo Công Thương tổ chức ngày 10/6 tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Thái Nguyên), ông Vũ Anh Hoàng, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết: “Bộ đã triển khai Đề án hợp tác đào tạo nhân lực 4.0 năm 2022, thúc đẩy kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bộ cũng ban hành các đề án số hóa, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, nhấn mạnh đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ bao gồm miễn giảm học phí cho sinh viên khó khăn, cải thiện cơ sở vật chất trường nghề, và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo. Đặc biệt, Bộ cũng hỗ trợ các trường nghề xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu sản xuất, chế biến và logistics”.
Chia sẻ về mô hình đào tạo gắn với thực tiễn, ông Khuất Quang Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp cho hay, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công Thương, hiện Trường đang đào tạo các ngành như công nghệ điện tử, công nghệ may, cơ khí và công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại Thái Nguyên nói chung và cho ngành nói riêng. Các ngành này thu hút nhiều học sinh từ vùng khó khăn nhờ cơ hội việc làm lớn.
“Chúng tôi triển khai đào tạo qua ba bước: tìm hiểu doanh nghiệp, thực tập chuyên môn có lương, và thực tập tốt nghiệp để được tuyển dụng làm kỹ thuật viên. Trường cũng hợp tác với doanh nghiệp để giảng dạy nội dung chuyên sâu, sử dụng thiết bị và chuyên gia từ doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ mới” – ông Tuấn nói.

Đặc biệt, để thu hút học sinh vùng khó khăn, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp truyền thông hiệu quả. “Chúng tôi trực tiếp đến địa phương, gặp đồng bào để chia sẻ lợi ích học nghề. Và đặc biệt, từ học sinh khóa trước truyền đạt kinh nghiệm cho khóa sau, tạo hiệu ứng lan tỏa. Đặc biệt, trường còn có sự tham gia của hơn 150 cán bộ, giảng viên tham gia tuyển sinh, phối hợp với chính quyền và giáo viên địa phương để tư vấn” – ông Tuấn chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp thông tin thêm, hiện 90% trong số gần 2.000 sinh viên của trường là con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số từ hơn 50 huyện và 300 xã. Hiện nay, Trường vẫn gặp nhiều khó khăn về chỗ ở cho học sinh, theo đó, Trường mong Nhà nước, Bộ Công Thương hỗ trợ để trường có thể nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của các em học sinh.
Nhấn mạnh về sự cấp thiết của chương trình đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ông Tuấn cho biết, đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp không chỉ là kênh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng mà còn là công cụ thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các vùng khó khăn, từ đó đóng góp vào sự phát triển bao trùm và toàn diện của đất nước.
Xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp
Nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty TNHH LG Display Việt Nam, cho biết: “LG Display hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp qua chương trình đào tạo tiên tiến: năm đầu học tại trường, năm thứ hai kết hợp 6 tháng học lý thuyết và 6 tháng thực tập, năm cuối thực tập tốt nghiệp tại LG. Mô hình này giúp sinh viên tiếp cận thực tế và tăng cơ hội việc làm”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hiếu cũng chỉ ra, nhu cầu tuyển kỹ thuật viên đòi hỏi cao các kỹ năng đang trở thành nhu cầu bức thiết như kiến thức chuyên môn vững (điện, điện tử, cơ khí), tư duy logic, sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm, và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý rằng công nghệ tại trường chưa theo kịp doanh nghiệp, khiến sinh viên cần đào tạo lại. LG Display đề xuất tăng thời gian thực tập và xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp.

Với các chính sách thiết thực, kịp thời, song, theo các chuyên gia chia sẻ, bên cạnh đạt nhiều thành tựu, công tác đào tạo nghề vẫn đối mặt với điểm nghẽn lớn như khoảng cách giữa chương trình đào tạo và công nghệ hiện đại tại doanh nghiệp. Ông Tuấn chỉ ra: “Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn lòng chia sẻ công nghệ cao do vấn đề bảo mật, khiến sinh viên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến. Tôi cũng mong muốn doanh nghiệp có thể hỗ trợ sinh viên tiếp cận công nghệ trong giới hạn bảo mật, đảm bảo sinh viên ra trường có thể đáp ứng các vị trí công việc tốt hơn”.
Thực tế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương không chỉ là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng tốc độ chuyển dịch nhanh chóng của nền kinh tế xanh, kinh tế số mà còn là yếu tố then chốt để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Việc đào tạo không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu thị trường lao động trước mắt mà còn là sự chuẩn bị dài hạn cho một thế hệ lao động có đủ kỹ năng làm chủ công nghệ, thích ứng linh hoạt với tương lai đang đổi thay từng ngày.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội, cùng sự cam kết mạnh mẽ về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực ngành Công Thương sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng” – ông Hoàng nói.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tại Việt Nam đạt 27,6%, tăng nhẹ 0,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 28,3% lao động chưa qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên, đặc biệt tập trung tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, biên giới và hải đảo. Đây là minh chứng rõ nét cho sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác đào tạo nghề và đào tạo lại lao động. Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, với mục tiêu đến năm 2025 đào tạo được 1 triệu nhân lực số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2030. Đây là bước đi thiết yếu nhằm khẳng định vai trò tiên phong của ngành Công Thương trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nguồn: Báo Công Thương