Vì sao nên chọn nghề xây dựng ?
Nghề xây dựng là nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, mang đến cho các bạn trẻ nhiều cơ hội hấp dẫn nhưng cũng không ít thách thức. Nghề xây dựng là một ngành nghề rất hấp dẫn trong xu hướng đô thị hóa hiện nay. Kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu xây dựng những công trình kiến trúc khang trang, hiện đại, tính nghệ thuật cao ngày càng tăng mạnh.
Do đó, ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng sẽ mang đến cho các bạn trẻ nhiều cơ hội việc làm đáng mơ ước. Tuy nhiên, vẫn có không ít học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn lựa nghề nhiệp cho tương lai mình cảm thấy bối rối và chưa hiểu cặn kẽ về nghề này.
Nghề xây dựng mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cũng như thách thức không nhỏ .
Ngành kỹ thuật xây dựng học những gì?
Ngành này đào tạo về các lĩnh vực thiết kế, thi công, quản lý các công trình công cộng, công trình nhà xưởng, công trình công nghiệp. Đây là một ngành khá rộng với nhiều cơ cấu nghề và cấp học, có thể chia thành các nhóm ngành chính:
• Xây dựng công trình giao thông
• Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp
• Kinh tế xây dựng
• Một số ngành liên quan khác
Cơ hội nghề nghiệp của ngành như thế nào?
Học viên tốt nghiệp có thể công tác ở công trường, công xưởng, và văn phòng:
Công trường: đây là nơi thi công sản phẩm xây dựng với nhiều vị trí làm việc khác nhau:
• Kỹ sư, cử nhân thi công hướng dẫn thực hiện toàn bộ hay một số loại công việc như đọc – hiểu bản vẽ thiết kế, tính toán khối lượng phải làm, lập bản vẽ chi tiết – nếu cần, hướng dẫn công nhân thực hiện…
• Thợ đào – đắp đất, đóng – ép cọc, cốt thép, ván khuôn, hồ – nề, mộc, chống thấm, sơn, lắp đặt hệ thống cấp – thoát nước sinh hoạt và thiết bị vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt
• Kỹ sư, cử nhân giám sát thi công
• Chỉ huy trưởng công trường
Công xưởng
• Kỹ sư, cử nhân giám sát nội bộ
• Kỹ sư quản lý chất lượng
• Chuyên viên phát triển sản phẩm
Văn phòng
• Chuyên viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng của các đơn vị thi công xây dựng.
• Nhân viên tư vấn xây dựng ở các xí nghiệp thi công như đo vẽ hiện trạng, trắc địa công trình, khảo sát địa chất công trình, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ thiết kế, lập dự toán kinh phí xây dựng công trình, thẩm tra thiết kế, thẩm tra dự toán, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ đấu thầu, giám sát thi công, kiểm định chất lượng công trình, chứng nhận chất lượng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng, kiểm toán xây dựng…
Vì sao các bạn trẻ nên lựa chọn ngành học này?
• Thiếu hụt nguồn nhân lực với tình trạng thừa thầy thiếu thợ
• Công nhân trực tiếp sản xuất quyết định trực tiếp chất lượng công trình xây dựng. Nhưng tỷ lệ công nhân qua đào tạo khá cao và xu hướng ngày càng tăng.
• Nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường khiến nhiều công trình phải phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp Việt không đủ sức cạnh tranh với các dự án đấu thầu trong và ngoài nước.
• Nhu cầu xã hội tăng mạnh do tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng phát triển
• Hơn nữa, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được lên kế hoạch và sẽ triển khai trong thời gian sắp tới. Do đó, nhu cầu của đất nước về đội ngũ nhân lực ngành này là rất cao.
Những thách thức trong nghề
Đây là một ngành công nghiệp dịch vụ với những tính chất đặc biệt như sau:
• Thời gian dài, có thể phải làm việc ngoài trời
• Phụ thuộc vào thời tiết
• Công việc theo dự án, cần đi công tác nhiều
• Thời gian làm việc không cố định, lúc làm việc ngày đêm, lúc nhàn rỗi
Xây dựng quả là một ngành nghề hấp dẫn, mang đến cho bạn trẻ cơ hội việc làm với thu nhập cao, cơ hội thăng tiến cao. Đứng trước giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân, các bạn hãy nghiên cứu thật nhiều thông tin, xác định điểm mạnh, điểm yếu để lựa chọn cho mình một con đường thật sự phù hợp với bản thân.